Ngành logistics sẽ giải bài toán phát triển bền vững như thế nào?

 

(DNTO) - Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng trên thế giới. Để phát triển bền vững, ngành logistics buộc phải chuyển dịch mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ngành logistics đã bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: T.L.

Ngành logistics đã bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: T.L.

Trao đổi trong tọa đàm trực tuyến “Logistics Việt Nam - Hướng tới chuỗi cung ứng bền vững”, sáng 7/10, bà Megan Benger, Chuyên gia tư vấn cấp cao TMX Global cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm thức tỉnh nhiều doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu kém của hệ thống logistics. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự thay đổi chóng mặt về thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng như mức độ kỳ vọng về dịch vụ, buộc các công ty vận tải phải điều chỉnh hoạt động logistics của mình.

Ví dụ dịch vụ giao hàng trong ngày đã trở thành dịch vụ phải có của một doanh nghiệp logistics. Ngoài ra, khả năng theo dõi đơn hàng cũng là điều khách hàng đặc biệt quan tâm khi lựa chọn dịch vụ. Hay một số nước có dịch vụ giao hàng đến lề đường gần nhà để khách hàng ra nhận, hoặc dịch vụ click and collect (mua và đi lấy hàng) cũng trở nên phổ biến để khách hàng có thể đến một điểm nhất định để nhận hàng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đang chú trọng đầu tư vào logistics ngược để đảm bảo quy trình đổi và trả hàng diễn ra một cách trơn tru. Hiện tại, do sự bùng nổ của thương mại điện tử, mức độ ảnh hưởng của các công ty logistics tới khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, nhiệm vụ tương tác và chăm sóc khách hàng thuộc về các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, do người tiêu dùng chuyển dần từ mua sắm tại cửa hàng sang mua hàng trực tuyến nên sự tương tác giữa người mua hàng và doanh nghiệp logistics cũng nhiều hơn.

Chuyên gia tư vấn cấp cao TMX Global cho biết, trong thời gian tới, để đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả hơn thì việc các công ty làm việc với các nhà cung cấp vận tải 3PL cũng phải thay đổi, với những kế hoạch dài hạn hơn để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

“Trước đây, công ty chuyển hàng chủ yếu bằng đường bộ, nhưng giờ phải tính đến chuyển hàng qua đường biển. Các công ty khác chuyển hàng chính bằng đường biển giờ phải xét đến chuyển hàng qua đường hàng không. Nhiều công ty cũng phải đưa ra những giải pháp khác nhau để đưa hàng đến tay khách hàng”, bà Megan Benger cho hay.

Vị chuyên gia này đưa ra khuyến nghị về việc các doanh nghiệp, chính quyền cần tính đến việc đặt các Micro-fulfillment center (trung tâm xử lý đơn hàng quy mô nhỏ) ở các khu vực đô thị, gần với người tiêu dùng cuối cùng để giảm tối đa thời gian giao hàng. Ngoài ra, xu hướng tự động hóa kho hàng đang rất phổ biến với các doanh nghiệp. Xu hướng này không chỉ đáp ứng được nhu cầu cắt giảm chi phí và nhân lực mà còn tăng tính hiệu quả và thời gian xử lý đơn hàng.

Các hệ thống quản lý vận tải cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng và liên tục được cập nhật để tối ưu hóa quy trình vận tải, làm giảm thời gian giao hàng đến người tiêu dùng cũng như giúp khách hàng dễ dàng theo dõi đơn hàng. Ngoài ra, hệ thống quản lý vận tải còn giúp khách hàng quản lý hiệu suất, tìm ra các điểm yếu để khắc phục và cải tiến, tăng tính cạnh tranh trong thời buổi thị trường ngày càng khốc liệt.

“Những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và đầu tư vào công nghệ hiện đại cho logistics đang dần giành được nhiều thị phần hơn, chiếm ưu thế và gia tăng sự hài lòng cho khách hàng”, bà Megan Benger nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ trong logistics sẽ giảm thiểu những yếu kém của ngành logistics trong tương lai. Ảnh: T.L.

Ứng dụng công nghệ trong logistics sẽ giảm thiểu những yếu kém của ngành logistics trong tương lai. Ảnh: T.L.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng khoa IEM, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), trước kia, chuỗi cung ứng thông thường chỉ tập trung đến hiệu quả bằng việc cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất, đúng thời gian và số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng muốn hoạt động bền vững hơn không chỉ đảm bảo hiệu quả trong hoạt động mà còn phải chú trọng đến các yếu tố khác, trong đó hai yếu tố đặc biệt quan trọng về môi trường và xã hội, con người.

Về mặt môi trường, chuỗi cung ứng hoạt động bền vững hơn chỉ khi tiêu thụ ít hơn nguồn lực của mình gồm: nguyên vật liệu, năng lượng, nguồn nước, nhân lực… ít hơn và phát thải ít hơn. Về mặt xã hội, con người, doanh nghiệp phải đầu tư đào tạo để nhân lực có chuyên môn tốt hơn, đảm bảo phúc lợi và điều kiện làm việc của người lao động và tác động với xã hội.

Dưới góc độ của doanh nghiệp logistics, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel mong muốn các cơ quan nhà nước tham vấn ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp để xây dựng một hành lang pháp lý mang tính kịp thời, đảm bảo vai trò cũng như quyền lợi, cơ chế để thúc đẩy logistics và chuỗi cung ứng.

Cụ thể, theo bà Linh, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; đồng thời có thêm những đề án, chỉ thị về thúc đẩy vận tải đường thủy nội địa.

Tuy nhiên, lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng cần được định hướng sâu hơn, rõ hơn. Ngoài ra, để có thể hội nhập quốc tế, cần có những đề án phát triển cảng biển, sân bay quốc tế, cảng hàng không quốc tế phải có thể chế rõ ràng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Pages