Đẩy mạnh xuất khẩu Nam Mỹ cần trợ lực từ hợp tác logistics

 

(DNTO) - Do khoảng cách địa lý xa xôi, dịch vụ logistics chưa phát triển đồng bộ và hiện đại, khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Mỹ vẫn chưa thể vụt sáng.

Phát triển và hợp tác ngành logistics giúp xuất khẩu Việt Nam bứt tốc trong tương lai. Ảnh: T.L.

Phát triển và hợp tác ngành logistics giúp xuất khẩu Việt Nam bứt tốc trong tương lai. Ảnh: T.L.

Xuất khẩu hạn chế vì logistics yếu

Số liệu từ Bộ Công thương cũng cho thấy, mặc dù giá trị thương mại Việt Nam- Nam Mỹ đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019, nhưng chủ yếu Việt Nam vẫn nhập siêu tới 3,3 tỷ USD.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường lớn tại Nam Mỹ còn rất hạn chế. Đơn cử kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Argentina chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm khoảng 1,4% tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Argentina. Thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Brazil cũng còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.

Trao đổi trong Diễn đàn Giao thương trực tuyến Logistics Việt Nam – Nam Mỹ 2020, tối 11/12, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, sự phát triển thương mại Việt Nam – Nam Mỹ phụ thuộc rất lớn vào các nền tảng sẵn có của dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi, tuyến vận tải hành khách, hàng hóa trực tiếp còn thiếu và yếu nên chi phí logistics Việt Nam sang Nam Mỹ còn ở mức rất cao, khiến hàng hóa Việt khó cạnh tranh với các đối thủ khác tại thị trường này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics hai bên cũng sẽ gặp một số rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và chưa tiếp cận thuận lợi những thông tin về thị trường nên chưa có nhiều hoạt động hợp tác, làm đại lý tại thị trường của nhau hoặc liên kết tổ chức dịch vụ. Sự yếu kém của ngành logistics khiến việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hai bên bị hạn chế.

Cũng theo ông Lê Hoàng Tài, đại dịch Covid-19 càng cho thấy rõ sự thiếu hụt cơ sở vật chất logistics gây cản trở dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam và Nam Mỹ. Vì vậy, việc hợp tác giữa hai bên rất quan trọng để doanh nghiệp hai bên tối ưu hóa dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi kì vọng trong thời gian tới, Việt Nam và khối thị trường Trung – Nam Mỹ có thể đàm phán và kí kết một hiệp định ưu đãi thương mại trao đổi hàng hóa sẽ tạo được khởi sắc và nhiều thuận lợi cho các hoạt động logistics, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với Trung – Nam Mỹ nói chung và với Nam Mỹ nói riêng”, ông Lê Hoàng Tài chia sẻ.

"Bắt tay" để cùng "lớn"

Doanh nghiệp Việt và Nam Mỹ cần hợp tác chặt chẽ thông qua các đại lý để tận dụng nguồn lực của nhau, đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào hoạt động logistics, góp phần tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: I.T.

Doanh nghiệp Việt và Nam Mỹ cần hợp tác chặt chẽ thông qua các đại lý để tận dụng nguồn lực của nhau, đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào hoạt động logistics, góp phần tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: I.T.

Là một ông lớn trong ngành logistics tại Chile, ông Matthew Taylor Pollmann, CEO Empresas Taylor đánh giá cao Việt Nam trong sản xuât các sản phẩm máy móc, phương tiện phục vụ hoạt động logistics.

“3 năm trước, Empresas Taylor có mua một sản phẩm máy móc của Việt Nam để phục vụ trong hệ thống kho bãi của chúng tôi tại cảng Callao, hiện nay vẫn hoạt động rất tốt. Tôi rất tin tưởng về chất lượng của sản phẩm kĩ thuật Việt Nam”, ông Matthew nhấn mạnh.

Vị CEO Empresas Taylor cũng cho biết, trong những năm tới, Chile thực hiện đấu thầu xây dựng cảng Valparaíso, xây dựng và phát triển hệ thống đường sắt giữa thủ đô Santiago với cảng Valparaíso, Sanato Go hay hệ thống kết nối đường sắt với Achentina. Đây là cơ hội để doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể hợp tác.

Ngoài ra, doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể tham gia các dự án nghiên cứu, chuyển đổi công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động logistics hay xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh và sử dụng loại mô tô chạy bằng điện tại Chile.

Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics Việt Nam còn cao, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ còn thấp, năng lực nhân sự trong ngành còn yếu. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid- 19.

Vì vậy, theo ông Tương, doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác bằng cách gặp mặt trực tiếp hoặc thông qua đại lý tại thị trường khác để tìm hiểu thông tin và nhu cầu của nhau. Thương vụ và Đại sứ quán hai bên cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, luật lệ, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại và dịch vụ hai bên gặp nhau.

“Hiện nay, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Chile có cơ hội đầu tư hợp tác với Việt Nam để phát triển hệ thống cảng biển, kho bãi, đặc biệt kho lạnh, dây chuyền cung ứng lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu hàng nông sản, hải sản cũng như phát triển các trung tâm dịch vụ logistics vùng và khu vực”, ông Nguyễn Tương chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho ngành logistics trong nước phát triển và hợp tác thành công với đối tác quốc tế, ông Lê Hoàng Tài cho biết, Bộ Công thương đang tích cực rà soát các thủ tục hành chính để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics.

Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp logistics đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, tăng tính kết nối của hệ thống phương tiện vận tải, ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động để năng cao năng lực cạnh tranh.

Pages